Lẩu là một món ăn rất phổ biến trong ẩm thực Việt Nam. Có nhiều loại lẩu tạo nên thương hiệu riêng biệt không thể thiếu trong lòng du khách và người dân Việt như lẩu riêu cua bắp bò, lẩu gà ngải cứu,... Đặc biệt, vào mùa đông, không gì tuyệt vời hơn khi ngồi cùng bạn bè và gia đình, thưởng thức một nồi lẩu nóng hổi vào ngày cuối tuần.
Trong số các loại lẩu ngon, phổ biến và được nhiều người ưa thích, lẩu nấm được coi là lựa chọn hàng đầu bởi đặc điểm chứa nhiều chất dinh dưỡng cùng vị thanh mát, ngọt, dễ ăn. Việc chế biến lẩu nấm không quá khó, quan trọng là biết bí quyết cũng như chọn nguyên liệu tốt nhất. Vậy để có được một nồi lẩu nấm ngon “đúng điệu”, cần chuẩn bị những gì và làm như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu về cách nấu lẩu nấm và các nguyên liệu cần thiết.
1. Công dụng của nấm
Nấm là một loại thực phẩm phổ biến trong nấu ăn ở nhà hàng cũng như các hộ gia đình. Nấm có thể được chế biến theo nhiều kiểu cách khác nhau, từ món kho, xào đến những món ăn ngon khác. Nấm chứa nhiều chất dinh dưỡng như chất đạm, kali, canxi, sắt, kẽm, chất xơ, các loại vitamin nhóm B và C.
Đặc biệt, nấm không chứa cholesterol, hàm lượng calo thấp, không có chất béo, đường và muối thấp, phù hợp cho việc giảm cân và người tiểu đường. Lẩu nấm còn phù hợp với những người ăn chay, những người không ưa dầu mỡ hoặc đơn giản chỉ muốn có chế độ ăn thanh đạm.
Chính vì vậy, nấm là thực phẩm hoàn hảo giúp chống oxy hóa, giảm cholesterol và bảo vệ tim mạch. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại nấm như nấm kim chi, nấm kim châm, nấm rơm, nấm hương, nấm mỡ, nấm đông cô... Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách chế biến các món ăn từ nấm sao cho giữ lại được những giá trị dinh dưỡng.
2. Nguyên liệu để nấu lẩu nấm
- Thịt gà: 1kg, cũng có thể thay thế hoặc kết hợp với xương ống để nước dùng đậm đà hơn.
- Váng đậu: 50gr
- Nấm rơm: 100gr
- Nấm đùi gà: 150gr
- Nấm kim châm: 150gr
- Nấm bạch tuyết: 100gr
Còn nhiều loại nấm khác có thể sử dụng như nấm linh chi trắng và nâu, nấm đông cô tươi,...
- 1 bắp ngô ngọt
- Rau tần ô, hẹ bông, rau bắp cải, rau cải cúc và các loại rau khác tùy theo sở thích
- 1 thanh đậu phụ
- Mì tôm hoặc bún tùy theo sở thích
- Hành, tỏi, ớt, gừng,...
- Gia vị: muối, hạt nêm, bột ngọt, hạt tiêu,...
Hình 1: Nguyên liệu chính khi nấu lẩu nấm
3. Chuẩn bị sơ chế nguyên liệu
Hành, tỏi, gừng bỏ vỏ, băm nhỏ, ớt thái lát, để riêng vào từng bát nhỏ. Bắc chảo lên bếp, cho vào một ít dầu ăn, khi dầu nóng thì cho hành, tỏi vào phi thơm. Chia đôi chỗ hành tỏi đã phi để riêng ra 2 bát.
Thịt gà làm sạch, rửa sạch với nước và muối để loại bỏ chất bẩn, sau đó ướp với hành tỏi đã phi, gừng băm, muối, hạt nêm, tiêu xay và bột ngọt trong khoảng 20-30 phút cho thịt gà thấm gia vị.
Nấm, rau và bắp rửa sạch, cắt bỏ phần hư hỏng, ngâm 10 phút trong nước muối, sau đó rửa sạch với nước lạnh. Rau cắt thành những khúc vừa ăn, xếp ra đĩa. Ngô cắt thành khoanh nhỏ. Nấm đùi gà thái miếng hình con thoi. Nấm rơm cắt hình chữ thập trên đỉnh. Nấm đông cô ngâm trong nước khoảng 30 phút cho đến khi nấm nở ra, sau đó rửa sạch và để sang một bên. Váng đậu cắt miếng nhỏ, chiên qua dầu và để ráo. Đậu hũ cắt miếng vừa ăn, xếp ra đĩa.
4. Cách nấu lẩu nấm
Bước 1: Nấu nước lẩu
- Cho một ít dầu ăn vào nồi, cho hành tỏi băm vào và đảo nhẹ. Khi tỏi đã vàng, cho gà đã sơ chế vào xào săn, đổ vào nồi khoảng 2 lít nước, nêm gia vị cho vừa ăn. Đậy nắp và đun cho sôi, trong quá trình đun, liên tục vớt bọt để nước dùng trong sạch. Ninh gà khoảng 30 phút, sau đó cho nấm rơm và ngô vào đun thêm 15 phút, sau đó cho nấm đùi gà vào đun thêm 10 phút nữa. Nước lẩu sẽ có vị ngọt thanh của nấm kết hợp với thịt gà.
Bước 2: Trình bày và thưởng thức món lẩu nấm
- Cho nồi nước lẩu lên bếp, đun lửa liu riu, sắp xếp các nguyên liệu trên bàn. Lần lượt cho các nguyên liệu còn lại (váng đậu, nấm kim châm, nấm bạch tuyết, đậu hũ, rau,...) vào nồi đun chung. Chấm với nước mắm hoặc muối ớt tùy khẩu vị. Bạn cũng có thể ăn cùng với mì nấu chín hoặc bún.
5. Những điều cần lưu ý khi nấu lẩu nấm
Hình 2: Những lưu ý khi nấu lẩu nấm
Để có một nồi lẩu nấm vừa ý, có một số lưu ý như sau:
- Khi chọn gà để làm nước lẩu, nên chọn gà ta vì có thịt chắc, ngọt hơn so với gà công nghiệp.
- Nên kết hợp ninh xương ống cùng với thịt gà để làm nước lẩu thêm đậm đà và ngọt ngào.
- Nên trụng mì qua nước sôi cùng một ít dầu trước khi chan nước lẩu vào ăn. Cách làm này sẽ làm cho sợi mì dai hơn, ngon hơn so với việc thả trực tiếp vào nồi nước lẩu.
- Để nước lẩu có màu đẹp hơn, có thể thêm một quả cà chua thái nhỏ, xào chung với gà.
- Bạn có thể tăng thêm vị thuốc bắc khi nấu nước lẩu, như hồng sâm, câu kỷ tử, hoài sơn, táo đỏ, cam thảo... để gia tăng tác dụng của lẩu nấm.
- Khi sơ chế nấm, không nên rửa quá kỹ để không mất đi chất dinh dưỡng. Không nên ngâm nấm quá lâu trong nước vì sẽ làm mất vị ngọt tự nhiên của nấm.
- Khi mua nguyên liệu, nên chọn rau và nấm còn tươi, xanh, không có dấu hiệu hư hỏng nhiều để đảm bảo lẩu nấm có vị ngọt thanh chuẩn.
Thời tiết sắp bước sang mùa thu, những đợt gió se lạnh đang chuẩn bị tràn về. Vào những ngày như thế, ngồi bên nhau, cùng thưởng thức một nồi lẩu nấm không chỉ giúp xua tan cái lạnh mùa đông mà còn mang mọi người đến gần nhau hơn. Hãy nắm bắt cách nấu lẩu nấm này và trổ tài cho bạn bè và gia đình!
Samya không chỉ muốn mang đến sức khỏe và sự tự tin cho phụ nữ thông qua các sản phẩm vệ sinh, mà còn muốn chia sẻ nhiều thông tin hữu ích để giúp chị em có cuộc sống gia đình viên mãn.