Thịt gà là một loại thực phẩm phổ biến trong bữa cơm của gia đình Việt. Bạn có thể sử dụng gà để chế biến nhiều món ngon như gà chiên, gà rán, gà nướng, nộm gà hoặc món đặc biệt hơn là lẩu gà.
Trong vô vàn cách nấu lẩu gà khác nhau, món lẩu gà lá giang lại thu hút được sự yêu thích của nhiều người ở khắp mọi miền đất nước. Hãy học cách chế biến món lẩu gà lá giang qua bài viết dưới đây và trổ tài nấu ăn để cả gia đình thưởng thức nhé!
Công thức nấu lẩu gà lá giang chuẩn vị
Trong ẩm thực Việt Nam và đặc biệt là ẩm thực Tây Nam Bộ, các món ăn được chế biến từ những nguyên liệu quen thuộc kết hợp với các loại rau sẽ tạo nên một hương vị tuyệt vời. Món lẩu gà lá giang cũng không ngoại lệ.
Lẩu gà lá giang là sự kết hợp giữa vị ngọt thanh của thịt gà cùng vị chua đặc trưng của lá giang. Khi ăn, bạn có thể dùng kèm với bún và rau tươi để thưởng thức một món ăn thơm ngon. Món ăn này cực kỳ phù hợp để thưởng thức trong những ngày trời se lạnh hoặc ngay cả trong buổi trưa mát mẻ.
Nguyên liệu nấu lẩu gà lá giang
- Gà mái tơ: 1 con
- Lá giang: 300 gr
- Sả: 2 củ
- Ớt sừng: 1 quả
- Mùi tàu (ngò gai): 5 lá
- Các loại gia vị: Muối, đường, tiêu, bột ngọt, nước mắm, ...
- Hành phi, mỡ tỏi
- Bún
- Các loại rau ăn kèm lẩu: rau muống chẻ, kèo nèo, rau rút, giá đỗ, chuối bào
Cách nấu lẩu gà lá giang
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Thịt gà: Dùng muối chà xung quanh để khử mùi tanh, rửa sạch và chặt thành miếng vừa ăn. Sau đó, ướp gà với 1/2 thìa cà phê hạt tiêu + 1 thìa cà phê muối + 1 thìa cà phê nước mắm trong khoảng 15 phút.
- Lá giang: Nhặt hết dây và lá bị sâu, rửa sạch, để ráo nước và vò nhẹ để tăng vị chua.
- Rau ngò gai: Sau khi nhặt, rửa sạch thì đem thái nhỏ.
- Tỏi: Lột vỏ, rửa sạch rồi đập dập, băm nhỏ.
- Ớt sừng: Rửa sạch, thái nhỏ.
- Các loại rau ăn kèm khác: Nhặt kỹ, rửa sạch rồi cắt thành đoạn.
Bước 2: Chế biến
- Bắc nồi lên bếp, cho một chút dầu vào tráng sau đó cho sả vào phi, khi sả đã vàng thì cho tỏi vào phi tiếp.
- Khi sả và tỏi đã vàng và thơm, cho gà vào xào đến khi thịt gà săn lại thì cho khoảng 2 lít nước vào nồi nấu sôi.
- Khi nước đã sôi, vớt hết bọt rồi điều chỉnh lửa nhỏ lại chỉ để liu riu. Sau đó, nêm nếm gia vị sao cho phù hợp với khẩu vị.
- Đến khi thịt gà đã mềm, cho lá giang vào, thêm tỏi phi, ớt và sa tế để món ăn đậm đà hơn.
Bước 3: Trình bày
- Dọn lẩu gà lá giang ra để thưởng thức. Khi ăn, nên dùng kèm các loại rau ăn lẩu, bún và nước mắm bỏ thêm vài lát ớt.
Ăn lẩu gà lá giang với rau gì?
Theo chuẩn Nam Bộ, lẩu gà lá giang thường được dùng kèm với các loại rau như rau muống, măng chua, rau nhút, bắp chuối bào, kèo nèo và bún. Tuy nhiên, bạn có thể dùng bún gạo hoặc mì thay thế bún đều ngon. Bên cạnh đó, lẩu gà lá giang măng chua cũng là một món ăn hấp dẫn không kém mà bạn có thể thử.
Những điều cần lưu ý khi nấu món lẩu gà lá giang
- Lá giang càng nấu sẽ càng chua, vì vậy khi nấu cần chú ý điều chỉnh lượng lá giang cho phù hợp để nước lẩu không bị chua quá.
- Tùy chỉnh độ cay, ngọt của món lẩu bằng ớt và đường sao cho hợp khẩu vị người ăn.
- Chú ý tránh chế biến món lẩu gà này bằng nồi nhôm, vì chất chua trong món ăn có thể ăn mòn nhôm và gây ngộ độc. Do đó, nên sử dụng các loại nồi tráng men hoặc inox là tốt nhất.
- Dùng 1 củ hành khô thả vào nồi nước lèo sẽ giúp nước lèo ngon hơn rất nhiều.
Yêu cầu đối với món lẩu gà lá giang
- Sau khi hoàn thành, lẩu gà lá giang phải có vị chua chua ngọt ngọt, thịt gà săn chắc, dai và hơi béo, ngấm gia vị.
- Lá giang không được quá chín, nên vò qua lá giang để tạo vị chua, không nên cắt nhỏ sẽ làm lá không ra hết được vị chua.
- Ngoài thưởng thức như món lẩu thông thường, bạn có thể dùng món ăn này làm canh ăn kèm với cơm trong bữa ăn hằng ngày của gia đình.
Một số công dụng từ cây lá giang
Cây lá giang được biết đến là một loại cây có nhiều công dụng chữa bệnh rất tốt đối với con người. Loại cây này thường phân bố ở các khu vực như Lào, Campuchia, Trung Quốc và cũng có ở Việt Nam. Thân cây lá giang có thể dài tới 4m, mọc hoang dại ở ven sông, suối hoặc nơi có nhiều ánh sáng. Loại cây này có thể bò trên thảm thực vật hoặc leo trên các thân cây khác để lấy ánh sáng.
Mặc dù lá giang chỉ mọc hoang dại, nhưng nó có thể được sử dụng làm rau để ăn trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, để mua lá giang ở Hà Nội là rất khó. Tuy lá giang là một loại rau ăn ngon và bổ dưỡng, nhưng nó cũng có tác dụng chữa bệnh, đẩy lùi các bệnh tật.
Cây lá giang không chỉ được sử dụng để chế biến món ăn mà còn để chữa bệnh. Nó có thể chữa trị nhiều bệnh như đầy bụng, khó tiêu, đau dạ dày, đau mỏi, nhức xương khớp. Lá giang cũng có tính mát, nấu canh hoặc luộc để ăn rất tốt trong điều trị mụn nhọt, lở loét. Ngoài ra, lá giang còn có các công dụng khác như chữa sỏi tiết niệu, viêm đường tiết niệu, viêm thận mạn tính, phong thấp, sưng tấy, viêm đường ruột...
Vị thuốc từ lá giang giúp điều trị viêm đường tiết niệu
Trong đông y, bài thuốc dùng lá giang để chữa bệnh viêm đường tiết niệu như sau: Dùng 100 gram lá giang còn tươi hoặc phơi khô sắc nước uống liên tục trong 15 ngày sẽ đạt được hiệu quả tốt nhất. Dùng thân cây làm trà uống hàng ngày cũng rất tốt trong điều trị bệnh.
Bài thuốc từ lá giang điều trị trướng bụng, đầy hơi và ăn không tiêu
Khi bị đầy bụng, khó tiêu, chỉ cần dùng lá giang sắc nước uống trong 5 ngày sẽ điều trị được chứng bệnh này.
Sử dụng vị thuốc từ lá giang để điều trị viêm bàng quang
Trong đông y, có lưu truyền bài thuốc điều trị sỏi tiết niệu, viêm bàng quang bằng lá giang là món canh gà nấu lá giang. Món ăn này vừa có hương vị thơm ngon, rất bổ dưỡng và giúp cơ thể thanh nhiệt, giải độc. Nó còn hỗ trợ cho những người có các vấn đề về sức khỏe như phong thấp, sản hậu băng huyết, lao thương khí huyết, xuất huyết, trĩ xuất huyết, huyết trắng, suy nhược cơ thể...
Lời kết
Hy vọng sau khi tham khảo bài viết này, bạn sẽ có thể trổ tài nấu nướng của mình để đem lại bất ngờ và niềm vui cho gia đình mình!