Lẩu là một món ăn đa dạng với nhiều loại khác nhau như lẩu gà, cá, lẩu chua cay, lẩu bò... Vậy, cách nấu nước lẩu ngon có khó không? Ngoài năng khiếu, nấu nước lẩu ngon còn dựa vào công thức và những bí quyết. Với những quy tắc và mẹo nấu nước dùng lẩu dưới đây, chúng ta sẽ có thành phẩm thật ngon.
Lưu Ý Về Hương Vị Của Các Loại Nước Lẩu
Các loại nước lẩu như lẩu cá hay lẩu hải sản thường có vị chua ngọt và cay để hạn chế mùi tanh và mang lại cảm giác thanh hơn khi ăn. Để nấu những loại lẩu này, bạn có thể sử dụng nước me hoặc gói gia vị lẩu thái, kết hợp với thơm, cà chua, rau muống, cải và các loại nấm.
Đối với lẩu gà, bạn không nên nêm gia vị chua vì lẩu gà thường cay hoặc ăn với ngải cứu.
Còn đối với lẩu bò, lẩu xương heo, bạn có thể khử mùi của bò hoặc xương bằng hành tím, sả, gừng nướng và đặc biệt không thể quên các nguyên liệu như hoa hồi, thảo quả, đinh hương. Những nguyên liệu này vừa giúp khử mùi, tăng hương thơm, đồng thời cũng mang lại cảm giác dễ chịu cho người thưởng thức.
Cách Nấu Các Loại Nước Lẩu
Dưới đây là hướng dẫn nấu 3 món lẩu cơ bản: lẩu gà, lẩu cá chua cay và lẩu bò.
Cách Nấu Nước Lẩu Gà
Bạn chuẩn bị 1 con gà khoảng 1,2 kg và khoảng 500 gram xương ống heo, rửa thật sạch và chặt gà thành miếng vừa ăn.
Thịt gà và xương heo sau khi rửa sạch bạn chần sơ qua nước sôi và xối lại với nước lạnh (lưu ý thực hiện ở 2 nồi khác nhau), để ráo nước. Tiếp theo đó, bạn sẽ ướp chúng với một chút muối và hạt nêm trong 20 phút.
Bạn bắc nồi lên bếp, phi thơm qua tỏi băm, sau đó trút cả thịt gà, xương heo, hành tây, gừng nướng vào xào cho thịt săn thì đổ nước xâm xấp mặt. Khi nước đã sôi, bạn thêm 1 lít nước nữa, hạ nhỏ lửa, nêm gia vị và nấu liu riu trong ít nhất 30 phút, thường để 40 - 50 phút là có nước lẩu ngọt để dùng.
Chuyển nước lẩu sang nồi chuyên nấu lẩu, vừa đun nhỏ vừa nhúng rau, nấm vào và thưởng thức.
Cách Nấu Nước Lẩu Hải Sản
Đối với nước lẩu hải sản, bạn có thể tận dụng vị ngọt từ xương ống để nấu nước lẩu này.
Bạn chọn mua khoảng 500 gram xương ống heo. Lưu ý bạn không nên mua phần đầu vì phần này có mùi khá hôi. Xương ống rửa sạch, chần qua nước sôi và ninh cùng với xương cá đã lọc thịt trong khoảng 45 phút để ngọt nước.
Bạn phi thơm tỏi, cà chua với sa tế rồi trút nước hầm xương vào, tiến hành nêm nếm. Thông thường chúng ta sẽ nêm gói gia vị lẩu thái. Khi ăn, bạn đun nước lẩu sôi rồi cho hải sản (cá, tôm, nghêu) vào rồi cho thơm, rau, nấm, thưởng thức cùng với mì hoặc bún.
Cách Nấu Nước Lẩu Bò
Đầu tiên, bạn chặt đuôi bò thành từng khúc ngắn và xào cho săn với tỏi băm, gừng đập dập. Quan sát thấy đuôi bò đã săn tái, bạn cho vào nồi 500 ml nước và hầm cho mềm. Nếu hầm với nồi thường, sẽ mất ít nhất 40 phút, tuy nhiên, nếu ninh với nồi áp suất, chỉ khoảng 15 phút.
Sau khi hầm xong, bạn cho thêm 1 lít nước nữa vào nồi. Nước sôi trở lại thì bạn cho thêm 1 thanh quế + 2 hoa hồi rang nồi nấu cùng và nêm gia vị. Nếu bạn muốn nồi nước bớt cặn, thì cho quế và hoa hồi vào túi vải sạch và thả vào nồi, khi ăn, vớt túi này ra.
Lẩu đuôi bò khi ăn sẽ nhúng thêm đậu hũ trắng, nấm rơm, nấm kim châm, cải và đặc biệt không thể thiếu bắp hoa bò cắt mỏng.
Mẹo Giúp Nước Lẩu Trở Nên Thật Hấp Dẫn
Có nhiều mẹo giúp nước lẩu trong mà bạn có thể áp dụng như sau:
- Đối với xương hầm, rửa sạch xương và chần qua nước sôi trước khi ninh.
- Khi nấu nước lẩu gà hoặc lẩu bò, hầm với 2 lần nước. Lần thứ nhất chỉ đổ nước xâm xấp mặt xương hầm, khi nước sôi mới đổ tiếp lần thứ hai và hầm với lửa nhỏ để nước thật ngọt.
- Đối với các loại củ làm ngọt nước như cà rốt, củ cải trắng, su hào và các gia vị lấy hương như quế, hồi, thảo quả... bạn có thể cho chúng vào túi sạch và thả vào nồi thay vì thả trực tiếp vào nồi nước dùng đang nấu.
- Sau khi đã nấu xong, bạn thả một trái trứng gà vào nồi nước đang sôi. Lòng trắng trứng sẽ hút bọt nhanh chóng, bạn chỉ cần vớt phần trứng gà này ra là được.
Giờ thì hãy cùng học cách nấu các món lẩu mà bạn yêu thích với cách nấu nước lẩu ngon. Đừng quên chia sẻ những mẹo hay này cho người thân, bạn bè nếu thấy hữu ích nhé!