Lẩu riêu cua là món lẩu rất dễ ăn, ngon miệng và phù hợp với nhiều điều kiện thời tiết nên được rất nhiều người yêu thích. Cả gia đình cùng thưởng thức món lẩu riêu cua với vị ngon đậm đà kèm theo mùi thơm nồng nàn của riêu cua chắc chắn sẽ khiến không khí gia đình trong ngày đông thêm ấm áp.
Ảnh: Lẩu riêu cua
Chuẩn bị nguyên liệu cho món lẩu riêu cua
Còn gì bằng khi được thưởng thức nồi lẩu thơm mùi dấm bỗng, béo ngậy riêu cua và bắp bò sườn sụn dai giòn, ăn kèm nhúm rau sống xanh tươi ngọt nước. Vậy để món lẩu riêu cua ngon đúng vị thì cần có những nguyên liệu nào?
- Cua đồng: 500g - 1kg
- Sườn sụn: 500g
- Bắp bò: 500g
- Đậu phụ: 5 bìa - 10 bìa
- Mẻ, dấm bỗng hoặc me chua, quả dọc: tùy khẩu vị.
- Mắm tôm: 1 muỗng nhỏ
- Cà chua: 3 - 5 quả thái miếng cau.
- Rau sống: rau muống chẻ, hoa chuối, thân chuối non, xà lách, mùi tàu, hành lá, tía tô, kinh giới, giá đỗ, chanh, ớt… Thêm ít rau muống nhỏ ngọn nếu thích ăn nhiều rau.
- Bún sợi nhỏ.
- Gia vị chanh, ớt hoặc xì dầu, nước mắm để chấm thêm.
Ảnh: Lẩu riêu cua
Hướng dẫn cách nấu lẩu riêu cua ngon tuyệt cho cả gia đình
Nấu món lẩu này không khó nhưng làm sao để thành phẩm vừa thơm, vừa ngậy, màu sắc đẹp mắt cũng cần rất nhiều bí quyết. Ngay sau đây chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn đọc hướng dẫn nấu lẩu riêu cua sườn sụn để giúp bạn có thể nấu ra một món lẩu siêu ngon để chiêu đãi cả nhà vào dịp cuối tuần này. Chỉ cần một chút thời gian và sự khéo léo của đôi bàn tay cùng với sự hướng dẫn của chúng tôi dưới đây là bạn hoàn toàn có thể tự mình làm ra món lẩu chuẩn vị rồi đấy.
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Hành khô: bóc vỏ, đập dập, băm nhỏ. Gừng: cạo vỏ, rửa sạch, thái sợi mỏng. Hành lá, rau mùi: nhặt rồi rửa sạch, thái nhỏ.
- Cà chua: rửa sạch, cắt cuống và bổ múi cau.
- Rau sống: nhặt bỏ phần bị hư, rửa sạch, ngâm qua với nước muối loãng rồi vớt ra để ráo. Lưu ý, với hoa chuối thì bạn thái nhỏ và ngâm trong nước pha giấm để hoa chuối không bị thâm, sau đó vớt ra rửa sạch rồi để ráo.
- Sườn sụn: sau khi mua về bạn rửa sạch, có thể rửa qua với nước muối để khử mùi hôi của thịt. Tiếp theo bạn trụng sơ phần sườn sụn trong nước sôi, bước này sẽ giúp nước lẩu của bạn trong hơn. Sau đó ướp phần sườn sụn này với chút gia vị rồi xào sơ qua với ½ muỗng hành khô rồi hầm trong khoảng 2 giờ đồng hồ. (Nếu nhà bạn có nồi áp suất thì chỉ cần hầm trong 10 phút là được).
- Cua đồng: Làm sạch, bóc phần mai, lấy gạch cua ra để riêng trong 1 bát nhỏ. Phần còn lại đem giã hoặc xay nhuyễn, lọc lấy nước. Lấy phần nước ấy cho vào nồi và đun trên bếp, nêm với 1 thìa gia vị + 1 ít mắm tôm, khuấy đều và đun với lửa to, đợi đến gạch cua nổi lên thì chuyển lại nhỏ lửa. Lưu ý: lúc này bạn không nên khuấy nữa vì sẽ dễ làm nát phần gạch cua hoặc bạn có thể gạt chúng vào phần cạnh nồi hoặc khi gạch cua chín hẳn thì bạn vớt chúng ra để riêng.Với chén gạch cua: bạn bắc chảo lên bếp, cho vào chút dầu ăn, khi dầu sôi thì cho một chút hành khô vào phi lên cho thơm. Cho phần gạch cua chừa lại vào xào với một ít nước mắm cho chín rồi vớt ra.
Bước 2: Chế biến
- Cho nước cua và nước ninh phần sườn sụn, thịt sườn, cà chua vào. Tiếp theo cho phần nước mẻ, nêm nếm lại gia vị, rồi cho phần riêu cua vào, rưới gạch cua lên + 1 nhúm hoa chuối + dầu hành + rau mùi + đậu hũ đã chiên + 1 chút sa tế (nếu bạn thích ăn cay).
Bước 3: Trình bày
- Dọn kèm cùng với bún tươi, rau sống và thịt bò, thưởng thức đến đâu thì cho nguyên liệu vào đến đấy. Vậy là bạn hoàn tất món lẩu.
Chỉ hơi tốn chút xíu thời gian để chế biến ra món lẩu riêu cua vậy tại sao chúng ta lại không làm thử món lẩu này cho gia đình mình cùng thưởng thức nhỉ. Lẩu riêu cua đồng mang vị thanh mát tự nhiên ngon đậm đà từ cua đồng, vị chua nhẹ của cà chua, vị nhân nhẫn của lá kiềm chắc chắn sẽ bạn ăn một lần và nhớ mãi. Ngoài lẩu cua đồng, bạn cũng có thể tìm hiểu cách nấu lẩu dê để làm phong phú thêm thực đơn cho cả gia đình mình. Cảm ơn bạn đã quan tâm đến bài viết này, chúc bạn luôn thành công với những món mà mình yêu thích nhé!