Nước lẩu Thái thập cẩm với hương vị ngọt tự nhiên từ xương, sự kết hợp hài hòa giữa hải sản và vị cay chua của sả, ớt, lá chanh đã tạo nên một món lẩu Thái đặc biệt mà ai đã từng thưởng thức cũng sẽ không thể quên. Vậy tại sao trong những ngày trời se lạnh, bạn không thử nấu món lẩu Thái thập cẩm này để thay đổi khẩu vị cho cả gia đình nhỉ?
Mô tả khóa học
Ảnh: internet
Việc tự tay làm một nồi lẩu Thái ngon và chuẩn vị không còn là điều khó khăn. Bạn không cần phải ra quán hay lo lắng về vấn đề vệ sinh và chất lượng nguyên liệu nữa. Chỉ cần thực hiện theo hướng dẫn chi tiết từ Daubepgiadinh.vn dưới đây, bạn có thể tự tin thổi hồn vào món ăn của mình. Hãy chuẩn bị và bắt tay vào việc ngay thôi!
Nguyên liệu chuẩn bị nấu lẩu Thái thập cẩm:
Phần nước lẩu Thái:
- 0.5 - 1kg xương ống
- 2 quả cà chua rửa sạch, thái múi cau
- 5 cây sả, rửa sạch, đập dập
- 1 quả chanh vắt lấy nước cốt
- 1 củ riềng rửa sạch, thái lát
- ½ quả dứa xanh, gọt vỏ bỏ mắt và thái miếng dày 3cm
- 3 thìa cà phê gia vị lẩu thái Tom Yum
- ½ thìa cà phê sa tế lẩu Thái
- 1 thìa cà phê nước cốt dừa
- 5 - 6 lá chanh, rửa sạch vò nát
- Gia vị: muối, đường, nước mắm, hạt nêm
Phần hải sản và rau ăn kèm:
- 1 con mực lá
- 0.5kg tôm sú
- 0.5kg ngao
- 500g thịt bò Mỹ
- Nấm kim châm, nấm hương
- Ngô ngọt: 3 quả
- Khoai sọ: 2 củ
- Rau muống, xà lách, rau cải, rau thơm các loại (tùy sở thích)
Ảnh: internet
Lưu ý: Nguyên liệu trên đủ để phục vụ khoảng 5 - 6 người ăn. Bạn có thể điều chỉnh lượng nguyên liệu phù hợp với nhu cầu của mình.
Cách nấu lẩu Thái thập cẩm ngon và chuẩn vị:
Bước 1: Chuẩn bị nước dùng Trước tiên, rửa sạch phần xương ống bằng nước lạnh, sau đó cho vào nồi và đun sôi trong khoảng 5 phút để lọc bỏ cặn bẩn và làm xương sạch hơn. Sau đó, rửa lại xương bằng nước lạnh và đổ vào nồi đã rửa sạch. Nêm 3 thìa cà phê hạt nêm và 1 thìa cà phê nước mắm vào xương, sau đó đun nồi lên bếp và đổ nước ngập mặt xương. Trong quá trình hầm xương, hãy vớt bọt và cặn nổi trên mặt nước để lẩu có hương vị tốt hơn. Hầm xương trong khoảng 1 - 2 tiếng, thêm nước nếu cần.
Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu ăn kèm
- Ngao: Ngâm ngao với nước và ớt qua đêm để loại bỏ cát và đất bẩn. Rửa sạch lại với nước.
- Tôm: Rửa sạch, bóc vỏ, bỏ phần đầu và rút chỉ trên sống lưng.
- Mực: Làm sạch, khứa ô chéo và thái miếng dày khoảng 3cm.
- Thịt bò: Nếu không mua thái sẵn, rửa sạch và thái mỏng vừa ăn.
- Ngô ngọt: Cắt khúc dày tầm 5cm.
- Khoai sọ: Gọt bỏ và cắt đôi.
- Nấm: Cắt bỏ phần gốc và rửa sạch.
- Rau: Nhặt rửa sạch và để ráo.
Bước 3: Nêm nếm nước lẩu Tiếp tục đun nước lẩu ở lửa nhỏ, thêm riềng, sả, cà chua, dứa, nước cốt chanh và lá chanh vào nồi. Đun sôi khoảng 5 phút. Nêm nếm các loại gia vị: gia vị lẩu thái Tom Yum, đường, nước cốt dừa, hạt nêm, nước mắm, sa tế. Thêm gia vị sao cho phù hợp với khẩu vị gia đình.
Bước 4: Trình bày và thưởng thức Múc nước lẩu ra nồi riêng để đặt lên bếp điện hoặc bếp ga nhỏ. Sắp xếp các nguyên liệu ăn kèm và đặt xung quanh bếp lẩu. Chờ nước lẩu sôi, tiếp tục cho các loại thịt, hải sản, nấm và rau vào, chờ chín sau đó múc ra bát ăn kèm với bún tươi hoặc mì.
Yêu cầu thành phẩm của món lẩu Thái thập cẩm:
- Nước lẩu có màu đỏ sậm hơi ánh vàng của gia vị lẩu, sa tế và cà chua. Nước không có cặn và mang mùi sả, lá chanh.
- Nước có vị chua thanh của dứa và chanh, vị ngọt của nước hầm xương, mùi thơm của riềng, sả, lá chanh, vị cay nồng nhưng không gắt và vị ngậy của nước cốt dừa.
Ảnh: internet
Lưu ý khi làm lẩu Thái thập cẩm:
- Nếu có thể, chọn lá chanh Thái để món lẩu có hương vị truyền thống nhất.
- Chọn tôm sú to để nước lẩu ngọt và thịt không bị bã khi nhúng.
- Ngâm nấm với nước bột sắn trước khi rửa để loại bỏ độc tố và làm trắng nấm.
- Thêm một ít nước cốt dừa vào lẩu để tăng vị đậm đà và làm dịu vị cay của sa tế.
- Nhúng ngao và ngô vào trước để nước lẩu có vị ngọt, sau đó mới nhúng các món khác.
Hy vọng với hướng dẫn chi tiết này, bạn sẽ tự tin làm một bữa lẩu thập cẩm ngon cho cả gia đình thưởng thức. Chắc chắn mọi người sẽ xuýt xoa trước khéo tay của bạn. Chúc bạn thành công!