Hãy cùng Dung Thủy chế biến món lẩu vịt thơm ngon này trong dịp nghỉ Tết Dương lịch 2022.
1. Cách nấu lẩu vịt hầm sả
1.1. Nguyên liệu làm lẩu vịt hầm sả:
- 1 con vịt xiêm
- 2 trái dừa xiêm
- 2 củ cải trắng
- 1 vỉ trứng cút
- 250g nấm rơm
- 2 bìa đậu hũ non
- 3 củ cải
- 2 trái dưa leo
- Các gia vị: sả, gừng băm, tỏi băm, hành tím băm, muối, nước mắm, đường, rượu trắng, chanh, tiêu, hạt nêm và dầu ăn
1.2. Cách nấu lẩu vịt hầm sả:
-
Sơ chế nguyên liệu:
- Chà xát vịt xiêm với muối, rượu và gừng để khử mùi hôi lông. Sau đó, rửa sạch và chặt thịt thành từng miếng vừa ăn.
- Luộc chín trứng cút và bóc vỏ, để riêng.
- Cắt gốc nấm rơm, ngâm muối và rửa sạch.
-
Cách nấu: Bước 1: Ướp vịt với nước mắm, hạt nêm, gừng băm, hành tím băm, tỏi, rượu trắng và nước cốt chanh để thịt vịt mềm. Ướp khoảng nửa tiếng trước khi nấu.
Bước 2: Phi thơm sả băm với chút dầu, sau đó trút thịt vịt vào xào trên lửa lớn.
Bước 3: Cho nước vào nồi và cắt củ cải trắng, dưa leo và củ hành nướng đập dập cho vào nồi. Hầm khoảng 1 tiếng để lấy độ ngọt của nước. Nếu muốn vị rau củ đậm đà, nên dùng củ quả hầm trước.
Bước 4: Lọc nước dùng củ quả lấy nước trong, sau đó cho nước dừa vào nồi nước dùng. Nấu sôi nồi nước dùng này và cho thịt vịt vào.
Bước 5: Khi thấy bọt trong nồi nước dùng nổi lên, bạn vớt bỏ hết cho đến khi nước trong.
Bước 6: Khi dọn lẩu vịt, cắt thêm vài trái ớt tươi vào nồi và dọn kèm các món rơm, trứng cút, đậu hũ non.
Cùng thưởng thức món lẩu vịt hầm sả trên bàn ăn gia đình. Bạn có thể dùng chung với bún tươi, bún khô hoặc miến đều rất ngon.
2. Cách nấu lẩu vịt măng cay
Thịt vịt kết hợp cùng măng chua nấu với vị cay nồng tạo nên một món ăn hấp dẫn. Cùng thử cách nấu lẩu vịt măng cay này để cả nhà thưởng thức và khen ngợi tài nấu nướng của bạn.
2.1. Nguyên liệu cho món lẩu vịt măng cay:
- 1 con vịt ta (chọn con trưởng thành không quá già cũng không quá non)
- 500g măng chua
- 2 trái dừa xiêm
- 3 bìa đậu phụ non
- 2 bìa đậu phụ chiên vàng
- Gia vị: gừng băm, tỏi băm, hành băm, ớt, sa tế, tiêu, muối, đường, bột ngọt, rượu trắng và dầu ăn
- Rau ăn kèm: các loại nấm, rau muống, rau nhút, cải thảo...
2.2. Cách nấu lẩu vịt măng cay:
Bước 1: Làm sạch thịt vịt với muối, rượu và gừng để khử mùi hôi lông. Sau đó, chặt nhỏ thành miếng và để ráo.
Bước 2: Ướp thịt vịt với nước mắm, hạt nêm, hành tím băm và gừng băm. Ướp khoảng 1 tiếng.
Bước 3: Thái măng chua mỏng, sau đó luộc và ráo nước. Xào măng để giúp măng dễ thấm gia vị.
Bước 4: Thái nhỏ đậu phụ thành miếng vuông và làm sạch các loại rau.
Bước 5: Phi thơm tỏi, hành và sả băm, sau đó trút thịt vịt vào xào và cho sa tế. Đổ nước dừa xiêm và nấu sôi. Sau đó, hầm vịt khoảng 30 phút cho thịt mềm.
Bước 6: Khi thịt vịt đã mềm, trút măng chua vào và dọn lẩu.
Lẩu vịt măng cay ăn kèm với các loại rau sống như rau muống, rau nhút, cải thảo và các loại nấm. Đừng quên có cả bún tươi hoặc bún khô nhé!
3. Cách nấu lẩu vịt om sấu
Sấu nấu kèm với thịt vịt là sự kết hợp quen thuộc của người miền Bắc, tạo nên vị chua thanh đậm đà cho món ăn. Với cách nấu lẩu vịt om sấu này, bạn sẽ có trải nghiệm hương vị thú vị.
3.1. Nguyên liệu chuẩn bị cho lẩu vịt om sấu:
- 1 con vịt xiêm
- 15 trái sấu
- 2 quả cà chua
- 2 miếng tàu hũ ky
- ½ hũ sa tế
- Rau ăn kèm: rau nhút, rau muống, rau tần ô và các loại nấm
- Gia vị cơ bản và các thành phần ớt, tỏi, hành, sả...
3.2. Cách nấu lẩu vịt om sấu:
Bước 1: Làm sạch thịt vịt với muối, rượu và gừng để khử mùi hôi lông. Sau đó, chặt nhỏ và chần qua nước sôi.
Bước 2: Ướp thịt vịt với nước mắm, hạt nêm, hành tím băm, gừng băm và sa tế. Ướp khoảng 1 tiếng.
Bước 3: Làm sạch và rửa các loại rau, nấm, cà chua, sấu.
Bước 4: Chiên tàu hũ ky vàng giòn.
Bước 5: Phi thơm hành tím, tỏi băm, sả băm và ớt băm. Trút thịt vịt vào xào săn. Khi thịt đã săn lại, cho nước vào nấu sôi và ninh thịt khoảng 30 phút. Sau đó, cho sấu vào và ninh thêm 15 phút để có nước chua.
Bước 6: Cuối cùng, thêm cà chua, đậu hũ và tàu hũ ky vào nồi. Nêm lại gia vị và chuyển sang nồi lẩu.
Dọn kèm lẩu vịt om sấu với bún tươi, các loại rau và nấm.