Trong những ngày thời tiết dần se lạnh như hiện nay, một tô bún măng vịt thơm phức và nóng hổi là một lựa chọn tuyệt vời. Món ăn này không chỉ mang đến hương vị ngon miệng mà còn cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho gia đình vào bữa sáng, trưa hoặc tối. Hãy cùng tham khảo ngay cách nấu bún măng vịt ngon đúng chuẩn như ngoài quán qua hướng dẫn dưới đây.
1. Giới thiệu món bún măng vịt
- Đặc điểm: Món ăn này kết hợp giữa thịt vịt luộc, măng tươi, bún tươi, các loại rau sống và nước luộc thịt vịt.
- Nguồn gốc: Bún măng vịt xuất hiện đầu tiên ở Sài Gòn.
- Phân loại: Bún vịt nấu măng tươi, măng khô, măng tươi chua…
- Thời điểm dùng: Bữa sáng, trưa và tối, đặc biệt thích hợp vào những ngày mưa lạnh.
- Lợi ích: Thịt vịt giàu dinh dưỡng giúp bồi bổ cơ thể, tăng cường sức khỏe, chống xơ vữa động mạch, ngăn ngừa ung thư, hỗ trợ điều trị bệnh lao phổi, tim mạch,…
2. Cách nấu bún măng vịt
Nguyên liệu (4 người ăn)
- Vịt: 1 con khoảng 1 - 1,2kg
- Tiết vịt: 500g
- Măng tươi chua: 500g (măng khô: 300gr)
- Tỏi: 2 củ
- Hành khô: 4 củ
- Gừng: 1 nhánh
- Chanh: 1 trái
- Ớt sừng: 3 trái
- Bún tươi: 1kg
- Rau mùi, hành lá
- Gia vị: rượu trắng, muối, hạt nêm, dầu ăn, hạt tiêu,…
- Rau ăn kèm: bắp chuối, rau muống, giá đỗ, rau thơm,…
Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu
- Gừng cạo vỏ, rửa sạch, chia làm 3 phần gồm thái sợi dài, đập dập và để nguyên. Chanh vắt lấy nước cốt.
- Thịt vịt làm sạch rồi khử mùi hôi bằng rượu trắng, muối, nước cốt chanh và rửa lại nước sạch, để ráo.
- Tiết vịt luộc chín, để nguội và thái thành miếng vừa ăn.
- Măng tươi chua thái hoặc xé sợi dài khoảng 5 - 7cm, sau đó cho vào nồi nước cùng chút muối luộc 30 phút, vớt ra xả lại nước lạnh và để ráo.
- Nếu dùng măng khô, cần ngâm nước nóng, rửa sạch. Còn nếu bạn dùng măng tươi, cần thái miếng vừa ăn, ngâm măng tươi với giấm hoặc mẻ trong 30 phút để măng hết đắng.
- Tỏi, hành khô bóc vỏ, một phần băm nhỏ, một phần cắt đôi.
- Hành lá, rau mùi thái nhỏ. Các loại rau ăn kèm nhặt rửa sạch, để ráo.
Bước 2: Các bước thực hiện
- Bắc nồi nước lên bếp cho thịt vịt, gừng thái sợi, phần đầu hành trắng, hành tím đã cắt đôi cùng 1 muỗng muối vào. Luộc vịt với lửa nhỏ trong 20 - 30 phút và nhớ vớt bỏ bọt thường xuyên.
- Khi thịt vịt đã chín thì vớt ra ngâm vào nước đá lạnh khoảng 5 phút, chặt thành miếng vừa ăn và xếp ra đĩa.
- Bắc chảo lên bếp, cho chút dầu ăn vào đun nóng rồi cho tỏi, hành phi thơm và cho măng vào, nêm thêm hạt nêm, đường, nước mắm xào sơ khoảng vài phút.
- Trút phần măng xào vào nồi nước luộc vịt, thêm tiết vịt, đun sôi và nêm nếm lại cho vừa miệng thì tắt bếp.
- Làm nước chấm: cho tỏi, gừng, ớt đã giã nhuyễn vào chén cùng đường, nước mắm, nước cốt chanh và khuấy tan đều.
- Cho bún vào tô, xếp thịt vịt luộc lên rồi rưới nước dùng cùng măng, tiết vịt vào, rắc thêm tiêu, hành lá, rau thơm và ăn kèm cùng rau sống, nước mắm gừng.
3. Cảm nhận về món bún măng vịt
Món bún măng vịt được trình bày đẹp mắt, màu sắc hấp dẫn, và nước dùng trong còn nóng hổi, mang mùi thơm phức. Vì vậy, món ăn này rất thích hợp để cả gia đình quây quần bên nhau thưởng thức vào những ngày trời se lạnh. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh, hơi béo ngậy của nước dùng hòa quyện cùng thịt vịt ngọt chắc mà không bị bở, măng tươi giòn, tiết vịt bùi bùi chấm kèm với nước mắm gừng thơm cay đậm đà.
4. Lưu ý khi ăn món bún măng vịt
- Những người bị bệnh gout, hệ tiêu hóa kém, đang bị ho cảm, người mới phẫu thuật, thể chất yếu không nên ăn thịt vịt.
- Thịt vịt kỵ với các thực phẩm như trứng gà, thịt thỏ, ba ba, mộc nhĩ, hạt óc chó, kiều mạch, quả mận,…
Sau khi đã tham khảo công thức cách nấu bún măng vịt chi tiết trên, bạn đã có thể dễ dàng tự nấu món này tại nhà để chiêu đãi gia đình. Không chỉ thơm ngon, phong phú dinh dưỡng, món bún măng vịt còn đảm bảo vệ sinh và tiết kiệm chi phí.